Entry for December 22, 2006

December 22, 2006

Còn hai ngày nữa là đến Noel, rồi sau đó 6 ngày sẽ là một năm mới. Thế là mình đã đi được gần một nửa con đường của tuổi 28. Thời gian cứ trôi, ta bị cuốn theo đó. Đôi khi cũng thoảng thốt nhìn xung quanh, nhìn lại mình. Nhưng rồi lại chậc lưỡi, nghĩ để làm gì, có giải quyết được gì đâu.

Đôi khi muốn viết những gì gần gũi thân quen viết về những điều nhỏ bé xung quanh, viết cho mình và chỉ mình thôi. Nhưng lười, lại thôi. Định viết ra một blog khác, nhưng ngại mở hòm thư mới. Muốn viết ra vào sổ, nhưng lười mua sổ nhật kí.

Tôi post lại bài viết này ở đây để :

Cảm ơn những người bạn của tôi đã giúp tôi sửa nó như Dũng, Châm, Hà, Hồng. Những người bạn rất đỗi thân quen của tôi, một thời để nhớ.

Dành cho những người bạn cùng lớp đại học ngày xưa. Mới thế mà cũng đã 5 năm rồi.

Và cuối cùng là cho tôi, đôi khi nhìn lại quãng thời ngày xưa. Ôi sao mà nhớ…

Chuyện K42Đ ngày ấy – một thời để nhớ

Không phải là khoá đầu tiên, cũng chẳng phải khoá thứ hai, chúng tôi là khoá thứ ba của khoa Điện tử – Viễn thông ngày ấy, khi đó chỉ là một khoa nhỏ thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên ở Thượng Đình. Năm đầu tiên vào học – 1997, chúng tôi là em út, là những chàng trai cô gái đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ Gia Lai xa xôi, đến miền Trung nắng gió, từ Hà Giang heo hút đến Cao Bằng núi non. Chúng tôi mới 18 tuổi, lòng tràn ngập niềm tin và hoài bão của tuổi trẻ, mang trong mình nhiều bỡ ngỡ nhưng đầy quyết tâm theo đuổi một chuyên ngành có thể gọi là tân tiến – ngành Công nghệ Điện tử Viễn thông.

Mỗi lớp đều có một ban cán sự. Chuỵên rõ như ban ngày, nhưng ở lớp chúng tôi, ban cán sự có những điểm thú vị lắm. Trình là lớp trưởng trong 4 năm, Dũng là lớp phó phụ trách học tập cũng trong 4 năm. Còn các vị trí lớp phó văn-thể-mỹ, lớp phó đời sống và bí thư Chi đoàn luôn thay đổi sau mỗi lần bầu cử. Đôi khi tôi nghĩ, Trình và Dũng có «tham quyền cố vị quá không nhỉ?», họ là cặp bạn thân, hay đi cùng nhau và chia sẻ quyền lãnh đạo lớp này những tận … 4 năm. Nếu có cuộc bầu chọn ai là kẻ « độc quyền » nhất thì tôi xin bỏ phiếu cho lớp trưởng và lớp phó của bọn tôi.

Image

Cán sự lớp năm thứ nhất trên đỉnh Yên Tử (từ trái sang phải : Huấn, Giang, Khiết, Châm, Dũng, Hà, Trình)

Giúp nhau cùng học

Ai khi bước vào ngưỡng cửa Đại học cũng được « răn đe » bằng hàng loạt các tuyên truyền về phương pháp học, nào là phải tự đọc, tự học, tự tra tìm tài liệu. Nhưng không phải ai cũng có thể chuyển ngay và bắt kịp hình thức học như vậy. Vì thế, trong giai đoạn đại cương của khóa học, chúng tôi đã áp dụng mô hình phân nhóm để giúp đỡ nhau học tập – mô hình mà tưởng chừng như chỉ có ở các lớp học phổ thông. Những năm học Đại cương, lớp thường được chia ra làm 2 nhóm để học các tiết bài tập, tiếng Anh và thực hành. Dựa trên khung như vậy, chúng tôi chia từng nhóm thành các nhóm nhỏ hơn, mỗi nhóm khoảng 10 người với người đứng đầu mỗi nhóm là một bạn có năng lực học tập và nhiệt tình. Các nhóm nhỏ tự tổ chức học nhóm vào những ngày ít tiết. Ở buổi học như vậy, mọi người giảng bài cho nhau, chỉ cho nhau những phần còn chưa hiểu trong bài học trên lớp, cùng nhau chén bỏng ngô, cười đùa nói chuyện và tạo bầu không khí vui vẻ. Đến giờ không ai có thể biết liệu có cách làm tốt hơn, nhưng chúng tôi biết chúng tôi đã thu nạp không ít kiến thức và hiểu hơn về những người bạn của mình qua những buổi học nhóm như thế.

Những chuyến dã ngoại

Không chỉ học, chúng tôi cũng «chịu khó» đi chơi lắm, để đoàn kết hơn, để hiểu nhau hơn và cũng để biết thêm về những vẻ đẹp các miền của đất nước. Bốn năm đại học là 7 lần, chúng tôi cùng tổ chức những buổi đi chơi trong 1 hay 2 ngày. Tay Thien (1 ngày), Yên Tử (2 ngày), Cúc Phương (2 ngày), Tây Thiên (1 ngày), Mai Châu (2 ngày), Suối Ngọc (1 ngày), Hồ Ba Bể (2 ngày). Để tổ chức một chuyến dã ngoại ngày ấy, chung tôi phải tính toán chi li lắm. Hạn chế tối đa những khoản tiền phải chi trả và ăn uống thật tiết kiệm. Đơn giản chỉ vì bọn tôi từ các tỉnh lên, nghèo lắm. Tiền đóng học, tiền sinh hoạt cũng phải tính toán chi li lắm rồi. Một buổi đi chơi mà nhiều tiền thì làm sao kham nổi. Học bổng ngày ấy thì ít ỏi. Ban cán sự mỗi lần tổ chức đi chơi là một lần phải họp lên họp xuống, bàn đủ mọi phương án để giảm chi phí. Chi phí nhỏ nhất rồi, lại lên kế hoạch vận động mọi người đi. Đi càng nhiều thì càng rẻ. Giảm giá khuyến mãi, cho phép trả chậm là những biện pháp được đưa ra dành cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn thể hiện tinh thần học tập và tham gia nhiệt tình với lớp. Lớp có 70 người, 40 người tham gia, liệu có ít?. Những người còn lại không tham gia một phần thì bận (ít thôi), nhưng phần lớn thì không đủ tài chính. Cũng buồn, nhưng chẳng thể làm gì hơn, chúng tôi đã hết mình.

Mỗi chuyến đi luôn là cơ hội để mọi
người gần gũi, hiểu nhau hơn. Đó là dịp mọi người tâm sự chuyện của mình, là cơ hội để tình yêu sinh viên trong sáng nảy nở. Đôi lần, tôi tự hỏi có bao nhiêu cặp đã yêu nhau qua những lần đi chơi ấy ? Tôi muốn biết lắm nhưng không làm sao để thống kê được.

Image

Hình ảnh về chuyến đi chơi Tây Thiên năm 1998

Nhớ lần đi Yên Tử, ngủ treo leo trên đỉnh núi. Đêm lạnh, mây núi chập chờn xung quanh. Cả lũ không ngủ mà kéo nhau đi chơi trò «bắn nhau», chia làm 2 đội rồi đi trốn và tìm đối thủ bên kia để bắn. Không gian mờ hơi sương, lẩn khuất đâu đây là những bia đá lạnh lẽo, âm u như một cốc đạo. Sợ ma, sợ cả cái không gian liêu trai ấy nhưng vẫn cứ tìm nơi nào heo hút nhất để trốn. Hình như trong đêm trăng sáng ấy, có hai người đã để ý nhau. Họ cùng một đội và thường hay di chuyển cùng nhau cho đỡ sợ. Một năm sau, cũng một đêm trăng sáng như thế, họ nói lời yêu.

Chuyến đi Mai Châu cũng vui vẻ không kém. Lần đầu tiên cả lũ ở nhà sàn, đêm đốt lửa trại. Lang thang cả ngày mệt, sau nồi cháo gà, cả lũ ngồi bên đống lửa và tâm sự chuyện của mình. Cảm nghĩ về cuộc sống, về tình yêu và mọi thứ khác. Không gian yên ả của rừng núi với một bầu không khí thân ái như giúp mỗi người sống thật với mình hơn, tự tin hơn và tâm tình như chưa bao giờ được tâm tình vậy. Mối tình đã nảy nở từ trước thì đêm nay như say thêm, như quyến luyến thêm. Họ ăn chung một bát cháo, ngồi dựa lưng vào nhau, vừa có sự riêng tư vừa hoà chung với mọi người. Để bây giờ, ít nhất hai cặp của ngày hôm ấy đã có hai chú nhóc tỳ vô cùng đáng yêu.

Chuyện văn nghệ

Lớp K42Đ ngày ấy, không có nhiều tài năng ca hát. Nhớ mỗi lần có thi văn nghệ của trường. Các lớp khác rất đơn giản là cử người đi hát thôi nhưng K42Đ không có tài năng nào cả. Chả nhẽ lại chịu thua và ngậm ngùi nhìn các lớp khác tranh giành giải thưởng. Tuổi trẻ sôi nổi và sáng tạo ở đâu ? Một ý tưởng ra đời, không có ca hát thì ta đóng hài kịch. Hài kịch khó mà dễ, dễ mà khó. Này nhé, phải có một ê kíp các diễn viên, một kịch bản hay và những buổi tập cùng nhau.

Image

Hội diễn Tiểu phẩm sinh viên 1997, chúng tôi đứng thứ hai đấy.

Bốn năm đại học, lớp tôi đã đóng góp cho khoa, cho trường 6 vở hài kịch và đỉnh cao là lần giành giải nhì trong cuộc thi văn nghệ toàn trường Đại học khoa học tự nhiên. Đó là những vở kịch « Thầy bói », « Thị Hến thời hiện đại », «Thi tài năng » « Kén rể », « Robot », … Qua những vở hài kịch này, chúng tôi khám phá ra những « tài năng » viết kịch bản, như Trình và Văn. Rồi một dàn diễn viên nổi bật, diễn mà như không diễn, tự nhiên và tài năng vô cùng. Đó là Thu Hà, là Hồng, là Khoa « béo », là Toàn, là Long, là Trình. Những buổi tập kịch thật vui, cười không biết mỏi mệt. Nhớ mỗi lần cô sinh viên Hồng quay một vòng và bảo « thầy ơi, em thế này mà bọn cùng phòng bảo em có cặp chân THẢO BÌNH này thầy » (thảo bình = cỏ bằng => cẳng bỏ) là thầy bói Trình cứ lăn ra cười và không tập được nữa. Rồi trong vở kịch « Thị Hến thời hiện đại », sinh viên khoa báo chí là anh Chí, khoa Sinh vật là anh Sinh và khoa điện tử là anh Tử đến tán một nàng sinh viên khoa Văn xinh như mộng. Quà của anh chàng Tử là … một hạt electron. Thương hiệu « hài kịch K42Đ » đã nổi tiếng toàn khoa và có lẽ đến giờ vẫn là lớp độc nhất làm được điều ấy.

Image

Cô sinh viên Hồng : « Thầy ơi, em thế này mà bọn cùng phòng bảo em có cặp chân THẢO BÌNH này thầy »

Chuyện thể thao

Phong trào thể thao, đá bóng của lớp luôn là hàng đầu. Ngày ấy, lớp được chia thành 4 tổ, mỗi tổ thành lập một đội bóng và tranh giải « Tứ hùng ». Vui vẻ là chính, ai không biết đá cũng vào đá. Anh lớp trưởng lơ nga lơ ngơ chả bao giờ chạm chân vào quả bóng cũng hùng hục xin vào làm thủ môn. 3 phút thôi mà anh làm thủng lưới 3 bàn. Một kỉ niệm chẳng bao giờ quên. Vui hơn nữa là những lần tranh giải với các lớp khác trong khoa hay trong trường. Một điều đáng buồn là cả 4 năm đại học thì chưa năm nào lớp giành được một thứ hạng cao cả.

Ngược lại, trong giải bóng bàn toàn trường Tự Nhiên , một tài năng không ngờ là Thế Anh được phát hiện. Anh giành giải nhất cá nhân. Một ngày vui không thể tả, dù đợt ấy mọi người vẫn phải đi học trên lớp, nhưng mọi người đều bỏ học để đi cổ vũ cho Thế Anh. Chả biết bây giờ anh còn giữ cái huy chương vàng ngày ấy không nữa.

Chuyện buồn

Năm thứ hai là năm buồn nhất của tập thể lớp. Hoàng, người Hải Phòng, đã mất trong một tai nạn xe ôtô khi đang trên đường về quê ăn tết 1998. Một cái tết buồn với tất cả mọi người và đặt biệt là gia đình Hoàng. Những vòng hoa trắng thương tiếc người bạn hiền lành, tốt tính và giỏi Tin học của lớp. Sẽ chẳng bao giờ những thành viên của lớp quên được hình ảnh của bạn. Bạn đã đi xa nhưng sẽ là thành viên còn mãi trong danh sách lớp mình. Bạn sẽ sống mãi trong lòng tất cả mọi người K42Đ.

Sau đó sự chia tay buồn bã khi vào giai đoạn hai. Một số bạn đã chuyển sang chuyên ngành khác, lớp khác. Hưởng, một thành viên tích cực thì sang Khí Tượng Thuỷ Văn, diễn viên hạng nhất của lớp là Thu Hà thì sang khoa Vật Lý Hạt Nhân. Chia tay buồn vô hạn, những mỗi người sẽ phải đi tiếp con đường mình đã chọn. Chúc cho mỗi thành viên đã chuyển sang lớp khác may mắn và thành công trên đường đời sau này.

Năm thứ ba thì Hoàng Anh bị thương nặng trong một tai nạn xe máy. Sau một thời gian nằm viện thì Hoàng Anh phải học lại một năm. Lớp 108 thành viên, đôi khi cả lũ bảo « 108 anh hùng Lương Sơn Bạc » phải chia tay bạn.

Năm cuối cùng, đó là nỗi buồn của những người không tốt nghiệp được như Ngọc Minh do chưa trả hết nợ các môn học.

Tình thầy trò và tốt nghiệp

Giai đoạn 2 lớp trầm hơn rất nhiều, mọi người đều đã lớn hơn, có cuộc sống riêng với tình yêu riêng cần vun đắp. Hoạt động cũng giảm xuống. Tinh thần học tập và thời gian phải làm thí nghiệm nhiều hơn. Các môn học nặng hơn và quan trọng là cái luận văn cuối năm phải hoàn thành.


Đến lúc này, tình thầy trò cũng thắm thiết và gần gũi hơn xưa. Mỗi người đã chọn được cho mình một người thầy hướng dẫn, một đề tài tốt nghiệp. Trò say sưa tìm hiểu tài liệu, hì hục mua linh kiện điện tử để nắp mạch. Rồi thì test thử. Mạch không chạy, thế là cả thầy trò lại ngồi lại với nhau đến khuya để tìm nguyên nhân. Thời gian làm luận án cứ lặng lẽ trôi đi. Không còn những tiết học trên giảng đường. Không còn những buổi tán phét giữa giờ. Chỉ còn lại một cái nắng oi ả của mùa hè 2001, tiếng ve kêu và màu đỏ rực của hoa phượng. Mọi người có buồn không nhỉ khi sắp phải xa nhau? Có lẽ không, vì đâu ai còn thời gian rảnh mà nghĩ đến chuyện chia tay, chỉ lo tập trung hàn hàn, lắp lắp cho mạch điện chạy được. Rồi lo viết cho xong một cuốn luận văn tươm tất, hài lòng thầy hướng dẫn.

Trong sự gấp gáp ấy, vẫn nảy nở tình yêu. Hai đứa làm chung với một thầy, rồi hai đứa ngồi chung một phòng máy. Bốn năm trời ngồi chung giảng đường nhưng chưa bao giờ họ ở gần nhau đến thế. Họ khám phá ra người bạn cùng lớp thật đáng yêu, đáng yêu hơn là mình biết nhiều. Rụt rè, tự ti lắm vì bạn ấy là người Hà Nội. Đành phải lén theo để biết nhà bạn ở đâu, rồi thập thò đứng đợi ở ngoài, rồi mạnh dạn vào nhà nói chuyện. Tình cảm thật đẹp, thật trong sáng. Đi dã ngoại tình yêu nảy nở. Trong phòng thí nghiệm tình yêu cũng nảy nở.

Image

Hạnh phúc trong Lễ phát bằng tốt nghiệp (từ trái sang phải : Thắng, Huế, Trình, Giang, Khiết, Dũng)

Buổi bảo vệ cuối cùng cũng đến, bao khó khăn vất vả rồi qua đi. Kết quả không tồi chút nào. Lớp có khoảng 30 điểm 10. Một thành tích bất ngờ mà không ai nghĩ đến. Bảo vệ xong, mọi người mới chợt nhận ra thời gian trôi nhanh quá. Thế là phải chia tay và xa mái trường đại học, hết một thời sinh viên tươi trẻ, đầy mộng mơ và lười biếng. Buổi phát bằng tốt nghiệp vẫn ngập tràn tiếng cười, ánh mắt tươi roi rói trong bộ trang phục cử nhân. Ngày mai, chúng ta sẽ bước vào cuộc sống, bươn trải tìm việc làm và sống một cuộc sống hoàn toàn khác với ngày hôm qua.

Tập thể K42Đ luôn hướng theo các bạn, luôn chúc cho từng thành viên may mắn, thành công trong công việc và hạnh phúc với tổ ấm nhỏ của mình. Rồi chúng ta sẽ có ngày gặp lại và ôn lại những kỉ niệm xưa.

Một thời để nhớ !

Đặng Trọng Trình

14.10.2006

Entry for December 08, 2006

December 8, 2006

Em còn nhớ hay em đã quên,

Entry for December 08, 2006

December 8, 2006

Em còn nhớ hay em đã quên,